Latest Post

Uyên ương nên quan tâm tới những việc quan trọng, cần thực hiện sớm, để đảm bảo cho hôn lễ diễn ra suôn sẻ. 

>> Nha hang tiec cuoiDich vu cuoi hoi 


02-8867-1390192664.jpg
Ảnh: A.X.

Khi hai người yêu nhau quyết định cưới, đó là lúc cần lên kế hoạch cho hôn lễ. Thường các cặp đôi sẽ thấy bối rối vì có quá nhiều việc cần làm, nhưng có những điều quan trọng, cần thực hiện trước tiên, để đảm bảo cho hôn lễ diễn ra suôn sẻ. 

1. Thông báo về đám cưới

Ngay khi nhận lời cầu hôn của bạn trai, hầu hết các cô gái đều muốn thông báo tin mừng này cho bạn bè, người thân xung quanh, hoặc có vài người sẽ muốn giữ bí mật để tạo bất ngờ. Tuy nhiên dù muốn mọi người chung vui hay muốn giữ riêng tin mừng cho mình, cô dâu chú rể tương lai nên nói với cha mẹ là những người đầu tiên. Sau khi nghe ý kiến của hai bên gia đình mới nên báo cho người thân khác và bạn bè.

Đôi uyên ương có thể thông báo về lễ cưới qua điện thoại, email hay các mạng xã hội, tùy theo từng đối tượng người thân, bạn bè. Ngoài ra, nhiều người cũng chọn cách tổ chức một bữa tiệc nhỏ, như chia tay thời độc thân và có dịp thông báo cho nhiều người cùng một lúc.

2. Đề ra ngân sách

Ngân sách sẽ quyết định tất cả những điều bạn mong muốn trong đám cưới, từ phong cách, vị trí, cách trang trí, số lượng khách, tới váy áo, phụ kiện... Điều cần bàn bạc ở đây là liệu bạn có thể chi ra bao nhiêu tiền, liệu gia đình có thể đóng góp, giúp đỡ hai bạn hay không. Cô dâu chú rể tương lai cũng cần lưu ý một điều nữa, là trước khi bàn bạc với cha mẹ, hai người phải thống nhất với nhau về số tiền trong khả năng và sự ưu tiên dành cho những phần việc nào trong đám cưới.

Xem thêm: 


Lịch trình chuẩn bị cưới trong một năm

Trình tự 6 nghi thức cưới truyền thống

Những điều kiêng kị trong phong tục cưới hỏi truyền thống
Nghi thức cưới hỏi tại 3 miền Việt Nam

3. Xem ngày 


Theo phong tục Việt Nam, việc hợp tuổi giữa vợ chồng là điều quan trọng vì người Việt quan niệm khi tuổi tác tương hợp, vợ chồng sẽ sống hạnh phúc mãi mãi. Ngày lễ ăn hỏi và đón dâu trọng đại cũng phải tổ chức vào ngày đẹp, chính xác theo giờ Hoàng đạo. Việc xem ngày, giờ này cần được hai gia đình thống nhất sớm để việc chuẩn bị không bị gấp gáp. Với những đôi tổ chức cưới ở nhiều nơi, nên lưu ý khoảng thời gian tổ chức cưới giữa các nơi, để cô dâu, chú rể và bố mẹ hai bên kịp nghỉ ngơi, không quá mệt mỏi.

4. Đặt lịch chụp ảnh cưới 


Tưởng tượng về những bức ảnh ghi dấu ấn hạnh phúc của hai người là một trong những điều nên làm trước tiên. Ở Việt Nam, ảnh cưới khá quan trọng, vì đó là vật trang trí không thể thiếu trong tiệc cưới, đồng thời cha mẹ cũng mong muốn được lưu giữ một vài bức ảnh đẹp của con gái để làm kỷ niệm.

Với tâm lý như vậy, nhiều đôi uyên ương nghĩ rằng, chụp xong ảnh cưới, cũng có nghĩa là đã thực hiện được một phần công việc lớn cho ngày trọng đại. Có rất nhiều loại hình chụp ảnh cưới, phù hợp với điều kiện kinh tế, cũng như sở thích, phong cách của các cô dâu chú rể. Nếu không muốn tốn thời gian, tiền bạc, bạn có thể chụp ảnh cưới trong studio, người lại, ảnh cưới ngoài trời sẽ dành cho các cô dâu chú rể có nhiều thời gian, yêu phong cách thiên nhiên... Nếu dư dả hơn, bạn có thể du lịch tới các vùng đất đẹp để ghi lại bộ ảnh đáng nhớ

5. Chọn trang phục cưới

Trong đám cưới có thể bỏ qua nhiều chi tiết, nhưng cô dâu chú rể không thể thiếu những bộ lễ phục để bản thân thêm đẹp, thêm sang trọng, phù hợp với không khí lễ cưới. Có nhiều cách chọn trang phục cưới. Đôi uyên ương có thể tìm tại các cửa hàng chuyên bán váy cưới. Ngoài ra, khi thuê studio ảnh cưới, một số studio không chỉ cung cấp dịch vụ chụp ảnh mà trong đó còn kèm theo trang phục như áo dài mặc ngày ăn hỏi, váy mặc ngày cưới. Lễ phục của chú rể lại cần chu đáo hơn nên đa số các chàng trai chọn cách đi may. Nếu không thuê, mua hoặc may mới, cô dâu có thể nghĩ tới việc mượn váy của người quen biết.

6. Đặt nơi tổ chức tiệc cưới

Cuối cùng, việc tổ chức cưới tiệc cưới đãi khách ở đâu cũng là câu hỏi lớn được nhiều đôi uyên ương quan tâm. Nếu tiệc diễn ra vào dịp không phải mùa cưới, bạn có thể đặt trước 1 - 2 tháng, nhưng nếu chọn khách sạn, nhà hàng được nhiều người yêu thích, nằm gần trung tâm hay vào đúng mùa cưới, bạn nên tìm hiểu và đặt dịch vụ trước từ 6 tháng tới 1 năm.

Sau khi đã sắp xếp ổn thỏa các vấn đề này, cô dâu chú rể mới dần dần lo lắng tới những chi tiết nhỏ khác. Càng chuẩn bị sớm, hai người sẽ càng có nhiều thời gian và lo liệu chu đáo cho ngày trọng đại.

Uyên ương nên chọn ngày, lên kế hoạch chi tiết về đám cưới trước một năm và dần sắm sửa cho hôn lễ để mọi chi tiết được chu đáo.

>> Nha hang tiec cuoiDich vu cuoi hoi 

Với các dịch vụ cưới phát triển như hiện nay, nhiều cô dâu chú rể không mất thời gian khi chuẩn bị cưới. Nhưng để hôn lễ suôn sẻ, chu đáo, uyên ương nên bắt đầu việc chuẩn bị cho ngày trọng đại từ trước một năm. Thời gian chuẩn bị dư dả sẽ làm hai bạn thoải mái khi chọn lựa dịch vụ và không bị stress, mệt mỏi.


1-4-4513-1388044208.jpg

Một năm trước ngày cưới

- Chọn ngày cưới

- Lập ngân sách các khoản chi cần thiết

- Quyết định ai sẽ là người chi những khoản nào, ví dụ nhà trai là người lo liệu mâm tráp ăn hỏi, nhà gái sẽ hỗ trợ cô dâu trong các việc làm đẹp, may trang phục ngày cưới...

- Lên danh sách khách mời lần một

- Lựa chọn phong cách tổ chức và trang trí đám cưới. Nhiều người chọn tổ chức tiệc tại nhà, một số khác lại tổ chức cưới riêng dành cho bạn bè hoặc cưới kết hợp du lịch. Càng tổ chức cưới cầu kỳ, bạn càng cần nhiều thơi gian để chuẩn bị. Phong cách đám cưới nên dựa theo ngân sách và khả năng chi trả của cô dâu chú rể.

- Nếu có điều kiện về kinh tế, uyên ương có thể tìm wedding planner lo liệu cho hôn lễ. 


1-3-4587-1388044208.jpg


6 tháng trước ngày cưới

- Chốt lại danh sách khách mời cuối cùng. Thu gọn lại số lượng khách, tập trung mời bạn bè thân thiết để đám cưới gần gũi, thân thiện.

- Sau khi có số lượng khách chính xác, uyên ương chọn và đặt nhà hàng tiệc cưới phù hợp. Với một số nhà hàng nổi tiếng, cô dâu chú rể có thể phải đặt chỗ trước ít nhất 6 tháng, điều này đặc biệt cần thiết nếu bạn cưới vào dịp cuối năm.

- Cô dâu đi thử váy cưới để tìm ra kiểu dáng váy phù hợp nhất, sau đó tìm nơi đặt may hoặc thuê.

- Đặt lịch và chụp ảnh cưới. Việc đặt lịch nên thực hiện sớm nhưng việc chụp ảnh cưới, cô dâu chú rể nên chọn khi thời tiết đẹp như đầu mùa hè hoặc mùa thu.

3 tháng trước ngày cưới


1-1-4341-1388044209.jpg

- Sơn sửa nhà cửa, phòng tân hôn để chuẩn bị cho cuộc sống mới. Nếu chưa có nhà riêng, uyên ương cần tìm thuê nhà và tân trang lại để tạo không khí ấm áp.

- Khám sức khỏe tiền hôn nhân.

- Hai gia đình quyết định số tráp ăn hỏi, tìm nơi đặt đồ lễ.

- Mua nhẫn cưới và trang sức cô dâu đeo trong ngày cưới

- Quyết định địa điểm đi nghỉ tuần trăng mật, đặt vé, khách sạn để có giá tốt nhất.

Một tháng trước khi cưới

- Hoàn thành việc đặt thiệp và viết thiệp cưới

- Thuê xe hoa, xe đưa đón gia đình, họ hàng trong ngày ăn hỏi, ngày cưới.

- Đặt hoa cầm tay và các loại hoa trang trí trong ngày ăn hỏi, ngày cưới ở cả nhà trai và nhà gái.

- Đặt tráp ăn hỏi.

- In phông, thuê bạt, bàn ghế và đặt cỗ cho lễ ăn hỏi.

- Nhờ bạn bê tráp, đỡ tráp trong lễ ăn hỏi hoặc thuê đội bê tráp trọn gói.

- Sau khi ăn hỏi, nhà gái đưa thiếp mời kèm theo đồ lễ cho họ hàng, bạn bè thân thiết.

- Gia đình chú rể có mời cưới sau tùy theo số lượng khách ít hay nhiều.

- Trang trí nhà cửa ngày lễ ăn hỏi. Với gia đình đơn giản, cô dâu chú rể có thể tự làm cổng bóng, cắm hoa trang trí trong nhà. Nếu cầu kỳ, bạn có thể thuê một cửa hàng hoa tới lo liệu toàn bộ khâu trang trí cho ngôi nhà lộng lẫy.

- Nếu thuê wedding planner thì đây là thời gian thích hợp để cô dâu chú rể và wedding planner cùng thống nhất lại lần cuối về kế hoạch, kịch bản chi tiết trong đám cưới.

- Nếu tự tổ chức đám cưới, cô dâu chú rể phải lên kịch bản cho ngày cưới với lịch trình, giờ cụ thể từ khi nhà trai tới đón dâu đến khi hai nhà mở tiệc chiêu đãi khách. Bạn nên lưu ý viết kịch bản chi tiết cho phần nghi lễ thành hôn ở nhà hàng đãi tiệc.

- Lựa chọn thực đơn cưới ở nhà hàng mà bạn đã đặt tiệc, chốt số lượng bàn, số lượng khách mời sẽ tới dự đám cưới.

- Chọn người giúp bạn đón khách, xếp chỗ cho khách mời.

- Làm thủ tục đăng ký kết hôn.

- Cô dâu chú rể nghỉ ngơi thư giãn, đi spa, hoặc cắt sửa tóc.


Một tuần trước ngày cưới

- Hoàn thành việc mua sắm phụ kiện trang trí cho phòng cưới, phòng tiệc.

- Gửi thiếp mời tới bạn bè, người thân.

- Xem xét lại váy áo, phụ kiện để đảm bảo mọi thứ đều hoàn hảo.

Một ngày trước đám cưới

- Kiểm tra lại váy áo, trang phục, phụ kiện và nhà trai cũng xem xét lại các đồ lễ để xin dâu, hoa cưới lần cuối để đảm bảo không có sai sót xảy ra.

- Ăn uống đầy đủ, ngủ sớm để giữ sức khỏe cho đám cưới.

Ngày cưới

- Cô dâu dậy sớm, ăn sáng, trang điểm, làm tóc, chú rể nhớ mang hoa cưới, nhẫn cưới để đi đón dâu.

- Uyên ương tổ chức lễ thành hôn và tiệc đãi khách như kịch bản đã định. Việc bạn cần quan tâm nhất là luôn tươi cười để có những bức ảnh cưới đẹp nhất.


Theo Ngôi Sao

Với đám cưới người Việt, có nhiều nghi thức cưới truyền thống mà cô dâu chú rể không thể bỏ qua, nhằm giữ gìn văn hóa cưới hỏi vốn có lâu đời..

>> Trung tâm tiệc cưới - Đặt tiệc cưới

Theo trình tự các nghi thức cần thiết cho một đám cưới hoàn thiện gồm: Chạm ngõ - Ăn hỏi - Xin dâu - Đón dâu - Tiệc cưới - Lại mặt.

Thường lễ chạm ngõ và lễ ăn hỏi có thể tổ chức sớm, cách đám cưới vài tháng, thậm chí cả năm, nhưng nghi thức đón dâu, rước dâu, tiệc cưới nên tổ chức trong cùng ngày, còn lễ lại mặt sẽ diễn ra trong vòng 3 ngày kể từ đám cưới.


02-6049-1403775476.jpg


1. Chạm ngõ

Lễ chạm ngõ là buổi gặp gỡ giữa hai bên gia đình, khi nhà trai đến nhà gái để đặt vấn đề chính thức cho đôi nam nữ được chính thức tìm hiểu nhau trước khi đi đến hôn nhân. Thực tế, đây là một cách để hai bên gia đình hiểu nhau, thân thiết hơn nên không cần lễ vật rườm rà, chỉ cần mang theo trầu, cau hoặc hoa quả.

Dù là nghi thức đơn giản, nhưng nhiều gia đình hiện nay vẫn giữ lễ chạm ngõ vì cho rằng nếu hai gia đình không quen biết nhau từ trước mà tổ chức lễ ăn hỏi, đám cưới cho con cái sẽ là đường đột

Tuy nhiên, về chức năng, nếu bỏ qua nghi thức này mà tiến thẳng vào đám hỏi và đám cưới sẽ có chút đường đột, ngang tắt, không có khỏi đầu. Vì thế, dù không quá quan trọng nhưng cũng không thể bỏ qua lễ chạm ngõ.

2. Lễ ăn hỏi

Vào ngày ăn hỏi, nhà trai sẽ đem mâm tráp đã được chuẩn bị kỹ lưỡng để làm lễ ra mắt nhà gái, nhằm hỏi cô gái về làm vợ cho con trai. Nghi thức lễ ăn hỏi cầu kỳ, cần chuẩn bị kỹ lưỡng. Trong đó mâm tráp là chi tiết cần được quan tâm nhất. Tùy theo vùng miền mà số lượng mâm tráp và các loại lễ vật cũng khác nhau. Để tránh xảy ra sai sót cho đám hỏi, hai gia đình nên bàn bạc cụ thể về mâm tráp cần thiết.

3. Lễ xin dâu

Trước khi đến giờ đón dâu chính thức, đại diện nhà trai, thường là một người phụ nữ thân thiết trong gia đình sẽ mang cơi trầu đến nhà cô dâu trước để làm lễ xin dâu. Mẹ cô dâu sẽ nhận tráp trầu cau và mang lên thắp hương trên bàn thờ tổ tiên của nhà gái. Đây là nghi lễ truyền thống lâu đời, có ý nghĩa như lời chấp nhận chính thức cho cô dâu về nhà chồng.

4. Lễ đón (rước dâu)

Sau lễ xin dâu, khi gia đình cô dâu đồng ý để nhà trai tới đón dâu, chú rể sẽ mang hoa cưới, hoặc cùng lễ vật (nếu nhà gái yêu cầu) để đón cô dâu về nhà. Trong ngày đón dâu, gia đình hai nhà sẽ trao tặng quà, của hồi môn cho cô dâu như lời chúc phúc cặp vợ chồng son sẽ luôn giàu sang, hạnh phúc.

5. Đãi tiệc

Sau các nghi thức truyền thống tại gia đình, uyên ương sẽ tổ chức tiệc cưới dành để mời khách, thông báo tin kết hôn, cảm ơn mọi người cùng đến chung vui. Hiện nay nhiều gia đình tổ chức tiệc cưới chung sau khi nghi lễ đón dâu kết thúc. Nếu tổ chức tiệc riêng, gia đình nhà gái thường mở tiệc trước khi nhà trai đến đón dâu, còn nhà trai sẽ đãi tiệc sau khi cô dâu về gia mắt họ hàng chú rể.

6. Lễ lại mặt

Sau đám cưới, khi cô dâu đã về nhà chồng, mẹ chồng sẽ chuẩn bị một mâm lễ nhỏ để cô dâu và chú rể mang về nhà gái, làm lễ chào hỏi bố mẹ cô dâu. Đây được gọi là lễ lại mặt, hay lễ nhị hỷ. Thời gian đôi vợ chồng mới cưới về nhà gái lại mặt là khoảng 1-3 ngày sau khi thành hôn. Thời gian này tùy thuộc vào khoảng cách địa lý giữa hai nhà cũng như tùy thuộc vào điều kiện, công việc của cô dâu chú rể. Nhưng thông thường, nghi lễ này thường tiến hành vào buổi sáng, hiếm khi để sang tới buổi chiều muộn.

Đây là những nghi thức cần thiết, quan trọng trong đám cưới, nhưng tùy theo điều kiện gia đình cũng như phong tục từng miền mà hai gia đình có thể thống nhất việc gộp lễ, hoặc bỏ qua các nghi lễ nếu thấy không cần thiết. Điều quan trọng là đám cưới cần trang trọng nhưng vẫn phải tiện cho cả hai gia đình.


Theo Ngôi Sao

Các cụ ta có câu: “Có thờ có thiêng – Có kiêng có lành”, trong phong tục cưới hỏi của người Việt Nam có một số điều nên kiêng kị, tránh làm sau:

>> Nha hang tiec cuoiDich vu cuoi hoi 



1. Kiêng cưới hỏi vào ngày, giờ xấu: Những ngày, giờ xấu sẽ được coi là không may mắn, suôn sẻ cho đôi vợ chồng mới cưới. Vì vậy thường thì nhà trai sẽ đưa ra “ngày lành tháng tốt” khi đã trao đổi với nhà gái để cho mọi việc được thuận vợ, thuận chồng, con cháu sau này thuận lợi, hanh thông.

2. Kiêng kị việc cưới hỏi trong khi nhà có tang sự, vì vậy phong tục cưới hỏi Việt Nam có những đám cưới “chạy tang” khi nhà có người sắp qua đời, hai bên nhà cô dâu, chú rể sẽ tiến hành nghi thức cưới hỏi diễn ra thật nhanh, có khi chỉ mời trong giới hạn phạm vị nội bộ gia đình.

Xem thêm: 

Nghi thức cưới hỏi tại 3 miền Việt Nam
Những điều cần biết để có một lễ cưới trọn vẹn
Những lưu ý cần phải biết khi chọn nhà hàng tiệc cưới

3. Kiêng mẹ chồng đón con dâu:  Để tránh cho quan hệ mẹ chồng nàng dâu sau này mâu thuẫn thì quan niệm của người Việt là mẹ chồng không đi đón nàng dâu mà thay vào đó sẽ nhờ người thân thiết trong gia đình: cô, dì, bác gái đi đón dâu, người được chọn là người thân thiết với gia đình và có cuộc sống hôn nhân hòa thuận, hạnh phúc.

4. Kiêng những người có cuộc hôn nhân không may mắn thuận lợi đi đón dâu: Với phong tục cưới hỏi của người Việt thì những người có cuộc hôn nhân không may mắn như: ly hôn, góa vợ hoặc chồng, người kết hôn mà liên tục ở xa nhau… sẽ không được đi đón dâu để tránh cho cô dâu, chú rể sau này gặp những điều không may mắn trong hôn nhân như những người này.

5. Nghi thức cưới hỏi Việt Nam là cô dâu không được xuất hiện trước khi chú rể vào đón cô dâura chào họ hàng.Phong tục cưới hỏi của người Việt quan niệm cô dâu xuất hiện trước họ nhà trai trước khi chú rể vào đón sẽ mất duyên và không được coi trọng sau này.

6. Mẹ đẻ không được đưa cô dâu về nhà chồng: Thay vào đó người đưa cô dâu về nhà chồng sẽ là bố cô dâu, cùng anh chị em họ hàng và bạn bè thân thiết.


7. Kiêng cô dâu không được ngoái lại nhà mẹ đẻ, khóc trong ngày cưới: Nhiều người quan niệm rằng không được làm như vậy để cô dâu khi về nhà chồng sẽ chuyên tâm quán xuyến, lo toan việc gia đình nhà chồng mà không còn lưu luyến việc bên nhà đẻ nữa.

8. Mang theo tiền lẻ, gạo muối rải dọc đường: Trước khi lên đường sang nhà chú rể thì cô dâu được người nhà chuẩn bị cài 9 cái kim vào gấu váy để giải trừ những điều xui xẻo và mang theo tiền kẻ, gạo muối cô dâu sẽ rải dọc đường khi qua ngã 3, ngã 5, ngã 7, qua sông, qua cầu, qua phà như tiền cúng lộ phí để cầu sự may mắn, suôn sẻ, giàu sang sau này của hai vợ chồng.

9. Kiêng mẹ chồng chạm mặt con dâu khi rước dâu về nhà: thời xưa thì mẹ chồng sẽ cầm bình vôi (được quan niệm là bà chúa trong nhà, chỉ quyền lực của người phụ nữ trong gia đình) sang nhà hàng xóm lánh tạm, với ý nghĩa giao mọi việc trong gia đình cho con dâu quán xuyến nhưng vẫn do mẹ chồng quản lí. Ngày nay, mẹ chồng có thể thay thế bằng cầm chùm chìa khóa – chỉ sự quán xuyến trong gia đình.

Nghi thức cũng như phong tục cưới hỏi được ông cha ta truyền lại từ bao đời nay, do đó chúng ta cần phải giữ gìn, tôn trọng và tiếp tục phát huy

>> Nha hang tiec cuoiDich vu cuoi hoi 

PHONG TỤC HỎI CƯỚI TRUYỀN THỐNG ( PHẦN NGHI THỨC TẠI NHÀ):

Nghi thức cũng như phong tục cưới hỏi được ông cha ta truyền lại từ bao đời nay, do đó chúng ta cần phải giữ gìn, tôn trọng và tiếp tục phát huy.

Lễ ăn hỏi là ngày mà đôi uyên ương siết chặt nhau, có nghĩa là hai bên đã là của nhau. Bên nhà trai công nhận có con dâu mới, bên nhà gái công nhận có rể thảo mới.

Theo phong tục cưới hỏi của người Việt Nam thì trong lễ ăn hỏi, gia đình chàng trai cần chuẩn bị những lễ vật sau:

– Khay trầu rượu có đủ nhạo và ly
– Hai hộp bánh
– Trái cây
– Lợn sữa quay và xôi gấc (không bắt buộc, nếu gia đình khá giả có thể thêm vào)
– Bánh xu xê (phu thê)
– Tiền nạp tài (tiền nát)
– Một cặp rượu
– Một cặp trà song hỉ
– Đôi đèn cầy hình long phụng
– Trầu cau theo yêu cầu nhà gái nhưng số lượng phải chẵn
– Nữ trang cho cô dâu (đôi bông nhất định phải có, ngoài ra có thể thêm dây chuyền, vòng, lắc, nhẫn đính hôn…)




Những lễ vật cưới hỏi mà nhà trai chuẩn bị rất chu đáo để đi ăn hỏi.


Xem thêm: 


Khi nhà trai mang lễ vật cưới hỏi đến nhà gái thì nhà gái sẽ đón mâm quả và dâng lễ vật nhà trai mang đến lên bàn thờ. Sau đó, bố mẹ nhà gái sẽ mời người họ nhà trai vào nhà để tiến hành nghi thức. Theo phong tục thì nhà trai sẽ đứng bên trái nhà thờ, còn nhà gái đứng bên phải. Nhà gái lần lượt giới thiệu các thành viên trong gia đình, sau đó đến lượt nhà trai giới thiệu. Kế đến vị chủ hôn ngỏ lời về việc mang lễ vật xin làm lễ đính hôn cho đôi trẻ. Nhà trai xin phép nhà gái cho cô dâu tương lai ra làm lễ ra mắt gia tiên với chú rể. Nhận lời, bố mẹ cho gọi con gái ra trình diện hai họ. Cô dâu tương lai bước ra kính người già trước, sau đó là bố mẹ.



Những mâm quả và lễ vật mà nhà trai mang sang nhà gái được dâng lên bàn thờ.

Kế đến là nghi thức lên đèn. Đôi trẻ sẽ đứng trước bàn thờ gia tiên theo thứ tự nam tả nữ hữu nhưng chỉ có chú rể tương lai làm lễ. Làm lễ xong, chú rể xin phép đeo nhẫn đính hôn cho cô dâu. Mẹ chồng cũng tặng chút quà nhỏ kỷ niệm và đeo nữ trang cho cô dâu. Kế đó mẹ chú rể trao cho nhà gái tiền nạp tài.

Xong nghi thức đó, gia đình hai bên cùng ngồi nói chuyện, uống nước và cùng bàn bạc, dự định xem ngày đẹp để cử hành hôn lễ cho đôi trẻ.  “Quả” sẽ được nhà gái chia lại mỗi thứ một ít lại cho nhà trai mà người ta thường gọi là “lại quả”. Phần còn lại, nhà gái đem biếu cho bà con hàng xóm, láng giềng gọi là “miếng trầu thơm”.

PHONG TỤC CƯỚI BẮC- TRUNG - NAM:

Miền Bắc

Ở các tỉnh, thành phố phía Bắc, các gia đình thường tổ chức lễ cưới theo 3 bước chính gồm dạm ngõ, ăn hỏi, đón dâu, một số nhà còn có lễ lại mặt, là hình thức hai vợ chồng trở về nhà gái cúng gia tiên sau khi lễ đón dâu đã hoàn tất. Người Bắc có tục thách cưới, nhà gái sẽ được yêu cầu nhà trai chuẩn bị những đồ lễ nhất định. Trong số đồ lễ của của người Bắc nhất định phải có trầu cau, bánh cốm.

Nghi thức cưới hỏi ở miền Bắc là nghiêm ngặt nhất trong số 3 miền, ngày giờ tốt phải được chọn kỹ lưỡng, các tráp ăn hỏi cũng phải chuẩn bị đầy đủ, phải là số lẻ và lễ ăn hỏi phải diễn ra trước đám cưới ít nhất một tuần tới 10 ngày. Trước kia, lễ ăn hỏi và lễ cưới không được diễn ra trong cùng một ngày, để hai nhà có thời gian chuẩn bị tiệc và mời khách chu đáo. Lễ đón dâu của người miền Bắc xưa có rất nhiều thủ tục, đi đầu đám rước phải là những người giàu sang, có địa vị trong dòng họ.

MiềnTrung

Người miền Trung, mà cụ thể là tại cố đô Huế có tục cưới xin đơn giản, tiết kiệm, trọng lễ nghi, không trọng tiền bạc. Người Huế cũng có các bước như dạm ngõ, ăn hỏi, đón dâu nhưng ý nghĩa có khác đôi chút so với miền Bắc. Để chuẩn bị cho đám hỏi, đám cưới, người Huế thường lên chùa nhờ các vị cao tăng xem ngày, giờ tốt. Sau khi đã chọn giờ ưng ý, hai bên thông gia sẽ thông báo cho nhau bằng một cuộc thăm hỏi (dạm ngõ) đơn giản. Thậm chí, tại nhiều vùng, việc dạm ngõ có thể do hai bạn trẻ đứng ra tiến hành nếu hai gia đình đã quen thân nhau từ trước.

Đám hỏi của người Huế được xem như buổi gặp mặt lớn của hai họ, không tổ chức rầm rộ. Đám cưới Huế có các lễ như xin giờ, nghinh hôn, bái tơ hồng, rước dâu diễn ra ở nhà gái, đón dâu, lễ gia tiên ở nhà trai. Người Huế không có tục thách cưới, lễ vật trong đám cưới có thể gồm trầu cau, rượu trà, nến, bánh phu thê. Ngoài ra, đám cưới ở Huế luôn có phù dâu, phù rể và hai đứa trẻ, một bé trai, một bé gái rước đèn đi trước.

Trong đêm tân hôn, đôi uyên ương phải làm lễ giao bôi hợp cẩn. Người Huế có tập tục để trong phòng tân hôn một khay lễ với 12 miếng trầu, đĩa muối, gừng và rượu giao bôi. Cặp vợ chồng mới cưới phải nhai hết 12 miếng trầu, tượng trưng cho 12 tháng hòa hợp trong năm, 12 năm hòa hợp tuần hoàn trong một giáp âm lịch. Việc ăn muối, ăn gừng mang màu sắc dân gian, biểu tượng nghĩa tình nồng thắm.

Lễ cưới ở Huế khá cầu kỳ về nghi thức, nhưng cũng rất đơn giản, không tổ chức ồn ào, khoa trương trong tất cả các nghi lễ. Đặc biệt, việc hợp tuổi hợp mệnh là vấn đề được quan tâm nhất trong lễ cưới tại Huế. Ví dụ, khi đi may áo cưới, áo dài, phải chọn ngày giờ tốt, người thợ may phải là người có cuộc sống đầm ấm, hạnh phúc.

Miền Nam

Người dân phía Nam thường có lối suy nghĩ phóng khoáng, vì thế, nhưng phong tục cưới hỏi của họ cũng có phần thoải mái, giảm nhẹ hơn. Lễ cưới tại miền Nam vẫn có đủ 3 nghi thức là dạm ngõ, ăn hỏi, đón dâu. Nhưng không như miền Bắc, người miền Nam có thể bỏ qua lễ dạm ngõ mà tiến hành lễ ăn hỏi và đón dâu cùng một ngày nếu gia đình một trong hai nhà ở xa, đi lại vất vả. Khi gộp hai lễ này, tráp ăn hỏi và lễ vật cúng tổ tiên khi đón dâu sẽ được gộp lại.

Tuy nhiên, có một nghi lễ bắt buộc cần có trong đám cưới miền Nam, đó là lễ lên đèn. Nhà trai sẽ phải mang hai ngọn nến cỡ lớn đến nhà gái khi đón dâu. Khi tiến hành cúng gia tiên tại nhà gái, cô dâu và chú rể phải tự tay thắp nến để lên bàn thờ, đó giống như tuyên bố chính thức, gắn kết hai người bên nhau trọn đời.

Nhưng dù khác nhau về phong tục, quan niệm trong cưới hỏi, các gia đình đều mong muốn những phong tục đó sẽ đem đến cuộc sống hạnh phúc lâu bền cho đôi uyên ương và giúp cuộc sống sau này của họ được thuận buồm xuôi gió.

Ngày nay, do nếp sống đã thay đổi nên phong tục cưới hỏi ngày càng xa rời với nguyên gốc. Dân gian coi cưới xin là một trong ba việc lớn của đời người (sự nghiệp, làm nhà và cưới vợ). Do vậy, có một số gia đình tổ chức đám cưới quá xa hoa gây phản cảm cho xã hội. Ngược lại, một số gia đình muốn giữ nguyên tục lệ xưa, gây khó khăn cho các bạn trẻ quen với nếp sống tất bật vốn không đủ thời gian để làm rình rang. Vì vậy, tổ chức một đám hỏi đơn giản mà trang trọng mang nét thuần Việt vẫn là điều chúng ta muốn hướng đến.


Sưu Tầm

Sức Khỏe

[Suc-khoe][fbig1]

Làm Đẹp

[Lam-dep][fbig2]

Làm Mẹ

[Lam-me][column1]

Ẩm Thực

[Am-thuc][column2]

Khám Phá

[Kham-pha][hot]

Thời Trang

[Thoi-trang][gallery1]

Author Name

{picture#YOUR_PROFILE_PICTURE_URL} YOUR_PROFILE_DESCRIPTION {facebook#YOUR_SOCIAL_PROFILE_URL} {twitter#YOUR_SOCIAL_PROFILE_URL} {google#YOUR_SOCIAL_PROFILE_URL} {pinterest#YOUR_SOCIAL_PROFILE_URL} {youtube#YOUR_SOCIAL_PROFILE_URL} {instagram#YOUR_SOCIAL_PROFILE_URL}

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.