Articles by "Lam-me"

Hiển thị các bài đăng có nhãn Lam-me. Hiển thị tất cả bài đăng

Năm 2022 là năm Nhâm Dần, sinh con trong năm này có thuận lợi không?

Sinh con trong năm 2022 có tốt không?

Theo can chi, tuổi Nhâm Dần là xương con Cọp, tướng tinh con Ngựa, con nhà Bạch Đế (phú quý). Do đó, theo tử vi, những đứa trẻ sinh năm Nhâm Dần 2022 thuộc mệnh Kim, nạp âm là Kim Bạch Kim, có nghĩa là lượng bạc, thỏi vàng nén hay còn được gọi là kim loại màu.

Những người cầm tinh con Hổ, đặc biệt trẻ sinh năm Nhâm Dần 2022 thường có tính cách mạnh mẽ, rất quyết đoán, có bản lĩnh và sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn, thách thức trong cuộc sống. Bên cạnh đó họ cũng rất hòa đồng, cởi mở nên dễ dàng tạo dựng được các mối quan hệ tốt đẹp, có thể làm nên nghiệp lớn.



Sinh con trong năm 2022 tháng nào đẹp nhất?

Ngày tháng sinh cũng mang tới những vận mệnh khác nhau. Theo tử vi, tháng tốt nhất để sinh con trong năm Nhâm Dần 2022 là tháng 4, tháng 8 và tháng 10 Âm lịch.

Cụ thể như sau:

- Tháng 4 Âm lịch: Trẻ sinh ra có tướng làm quan, tài lộc dồi dào, tương lai sẽ có một gia đình hạnh phúc.

- Tháng 8 Âm lịch: Trẻ bẩm sinh thông minh, nhanh nhẹn, quyết đoán và có năng lực làm lãnh đạo.

- Tháng 10 Âm lịch: Trẻ là người chân thành, lương thiện, chăm chỉ, thông minh và cần cù nên sự nghiệp và tài chính ổn định, được nhiều người ngưỡng mộ.

Vận mệnh trẻ sinh vào những tháng Âm lịch khác

Tháng 1 Âm lịch: Trẻ có tính cách thẳng thắn, nghiêm túc trong công việc song không biết cách ăn nói nên dễ khiến người xung quanh hiểu lầm.

- Tháng 2 Âm lịch: Trẻ có tính cách mạnh mẽ, quyết đoán, nhưng lại chỉ thích làm việc theo ý mình, không chú ý tiểu tiết nên dễ mắc những lỗi sai không đáng có.

- Trẻ sinh vào tháng 3 Âm lịch: Trẻ là người hiền hòa, lương thiện, có khả năng quan sát tỉ mỉ, sẵn sàng giúp đỡ người khác nên có nhiều mối quan hệ xã giao tốt đẹp, nhưng đa phần không thích tranh đua với đời nên khó đạt được thành tích cao trong sự nghiệp.

- Trẻ sinh vào tháng 5 Âm lịch: Trẻ là người độc lập, kiên trì theo đuổi mục tiêu của mình nhưng thời trẻ cuộc sống chỉ ở mức bình bình, đến trung vận mới đạt được thành tựu nhỏ.

- Trẻ sinh vào tháng 6 Âm lịch: Trẻ là người nhiệt tình, thẳng thắn, dễ gần, có khả năng thích ứng với nhiều môi trường khác nhau, song lại có tính nóng vội, dễ tin người nên dễ phải chịu thiệt.

- Trẻ sinh vào tháng 7 Âm lịch: Trẻ là người lanh lợi, nhạy bén, sống có kế hoạch, đa phần thuận lợi khi còn trẻ nhưng đến hậu vận lại có thể vướng phải rắc rối do người khác gây nên, nhưng sau đó đều có thể vượt lên nghịch cảnh.

- Trẻ sinh vào tháng 9 Âm lịch: Trẻ là người có trực giác nhạy bén, không thích dựa dẫm hãy nghe theo sự sắp xếp của người khác, thời trẻ có thể gặp phải nhiều va vấp.

- Trẻ sinh vào tháng 11 Âm lịch: Trẻ là người thẳng thắn, cố chấp, không muốn tiếp thu ý kiến của người khác nên không thích hợp với công việc bàn giấy, chỉ hợp với công việc thường xuyên di chuyển.

- Trẻ sinh vào tháng 12 Âm: Trẻ là người rất tự tin, một khi đã đặt mục tiêu thì sẽ theo đuổi tới cùng, nhưng đa số trẻ sinh tháng này lại ham danh lợi, hơi ích kỷ khi chỉ xem trọng địa vị của bản thân nên bố mẹ cần giáo dục con cái vươn lên bằng chính sức của mình, không nên dựa dẫm.

*Thông tin mang tính tham khảo

Những thói quen xấu đẩy trẻ khỏi con đường đúng đắn, những thói quen tốt có thể nâng đỡ trẻ tiến lên trên đường đời.

Nhà tâm lý học người Mỹ William James đã nói: "Gieo một hành động gặt một thói quen; gieo một thói quen gặt một tính cách; gieo một tính cách gặt một số phận."

Sức mạnh của thói quen mạnh đến mức có thể đưa một người lên thiên đường hoặc kéo họ xuống địa ngục. Tính khí ban đầu của con người là giống nhau, nhưng trong quá trình trưởng thành, thói quen sẽ khác nhau do ảnh hưởng của môi trường sống.

Vì vậy, chỉ có những thói quen tốt được vun đắp từ nhỏ mới có thể mang lại lợi ích cho trẻ suốt đời. Để giáo dục, hãy bắt đầu từ việc trau dồi những thói quen tốt cho trẻ.



1. Tự giải quyết vấn đề và suy nghĩ độc lập

Khuyến khích trẻ tập thói quen suy nghĩ về mọi việc và hình thành ý kiến cũng như cách giải quyết riêng vì điều này sẽ khiến trẻ trở nên độc lập. Sự thành công của trẻ phụ thuộc vào việc chúng tự suy nghĩ tốt như thế nào và tự đưa ra các giải pháp từ suy nghĩ độc lập của mình theo cách nào.

Nếu trẻ gặp bất kỳ vấn đề nào ở trường hoặc bạn bè, hãy hướng dẫn trẻ xác định vấn đề và giải quyết vấn bằng các giải pháp tích cực. Điều này sẽ giúp trẻ học được kỹ năng giải quyết vấn đề và tự tin trong việc tìm ra giải pháp cho những vấn đề khó hơn.

2. Không trì hoãn

Nhiều người trưởng thành mắc chứng trì hoãn, làm việc gì cũng vội vàng vào phút chót, đó chính là thói quen "nước đến chân mới nhảy".

Cha mẹ nên rèn luyện cho trẻ thói quen không trì hoãn mọi việc, để trẻ có nhiều thời gian đối phó với những trường hợp khẩn cấp có thể xảy ra, như vậy sẽ học được cách bình tĩnh giải quyết vấn đề. Ví dụ, hãy chắc chắn để trẻ hoàn thành bài tập về nhà trước khi đi chơi, hoặc làm việc nhà trước khi được phép đọc truyện...

3. Tham gia làm việc nhà và trau dồi tinh thần trách nhiệm

Đừng cho rằng trẻ vẫn còn nhỏ và không thể làm bất cứ điều gì. Hãy để trẻ làm một số việc nhà trong khả năng, chủ yếu rèn luyện ý thức trách nhiệm với gia đình. Hãy để trẻ hiểu rằng chúng cũng là một thành viên và có nghĩa vụ chia sẻ những công việc trong gia đình.

Việc nhà là yếu tố dự đoán tốt nhất về việc trẻ có nhiều khả năng trở thành những người trưởng thành vui vẻ, khỏe mạnh và độc lập. Hỗ trợ và giúp đỡ bố mẹ là điều tốt và nó khuyến khích trẻ trở thành những công dân tốt.

4. Phát triển thói quen đọc sách

Đọc sách mang lại cho trẻ nhiều lợi ích to lớn như giúp phát triển trí não, tăng sự gắn kết với bố mẹ, phát triển kỹ năng ngôn ngữ, phát triển các kỹ năng xã hội... Đây là cơ sở giúp trẻ thành công trong cuộc sống sau này.

Cách tốt nhất hướng trẻ vào thói quen đọc sách là chính bố mẹ phải làm gương. Nếu bố mẹ thường xuyên đọc và chia sẻ với trẻ về những điều hay đọc được, trẻ sẽ cảm nhận được sự nhiệt tình và háo hức muốn cạnh tranh với bố mẹ. Trong vô thức, phần đông trẻ con đều mong muốn trở nên giống bố mẹ chúng.

Những thói quen tốt được vun đắp từ nhỏ mới có thể mang lại lợi ích cho trẻ suốt đời. Ảnh:chinanews.

5. Học cách lựa chọn, biết cách lựa chọn

Tất cả chúng ta hiểu rằng, cuộc sống đôi khi bắt buộc phải đưa ra lựa chọn, dù khó khăn đến đâu. Đặc biệt khi phải từ bỏ những thứ yêu thích thì con người lại rơi vào nỗi buồn sâu sắc.

Cha mẹ cần nuôi dưỡng khả năng lựa chọn và sẵn lòng từ bỏ, kể cả những thứ trẻ thích ngay từ khi còn nhỏ. Đây là một phương pháp rèn luyện thói quen tư duy, giúp trẻ có mục tiêu rõ ràng khi đứng trước những lựa chọn lớn trong cuộc sống sau này. Đặc biệt với những trẻ có mục tiêu riêng càng sớm thì cơ hội thành công sau này càng lớn.

6. Có cuộc sống điều độ

Sinh hoạt điều độ là một trong những yếu tố quan trọng để có sức khỏe tốt. Nếu giờ sinh hoạt không cố định, ham chơi thâu đêm suốt sáng sẽ đẩy trẻ vào cuộc sống của những người thiếu tự chủ. Bởi vậy cha mẹ nên giúp trẻ hình thành những thói quen lặp lại thường xuyên, chẳng hạn ngủ dậy lúc mấy giờ, thời gian biểu của những hoạt động sau đó như ăn sáng, học bài, đọc sách, đi ngủ... cũng cần phải chi tiết.

Có cuộc sống điều độ từ nhỏ, trẻ sớm tự lập kế hoạch cho bất cứ điều gì chúng làm. Việc này giúp trẻ luôn đúng hẹn và có khả năng xử lý các tình huống bất ngờ xảy ra.

7. Học cách lắng nghe và sẵn sàng giúp đỡ người khác

Cha mẹ trước hết phải kiên nhẫn lắng nghe con cái. Lắng nghe trẻ nói là biểu hiện của sự tôn trọng lớn nhất mà cha mẹ dành cho con mình.

Khi cha mẹ lắng nghe trẻ, cũng nên nói với con cần lắng nghe và hiểu người khác một cách kiên nhẫn như cách họ đang làm. Hãy để trẻ học cách tôn trọng ý kiến và biết giúp đỡ người khác. Những đứa trẻ biết cách lắng nghe và giúp đỡ mọi người sẽ có nhiều mối quan hệ tốt hơn khi lớn lên.

8. Làm sai thì phải sửa

Nhà văn Elbert Hubbard từng viết: "Sai lầm lớn nhất thường mắc phải trong đời là luôn sợ hãi mình sẽ phạm sai lầm". Một khi đủ can đảm để thừa nhận những sai sót, không đổ lỗi hay giấu diếm thì đó sẽ là một liều thuốc hữu hiệu nhất giúp trẻ nên người.

Việc quan trọng là bố mẹ nên hiểu tư duy của trẻ còn khá non nớt, chưa hiểu chuyện nên dễ mắc sai lầm. Vì vậy, người lớn nên có thái độ cảm thông, thấu hiểu, dạy trẻ cách tự nhìn nhận lỗi sai của mình mà sửa chữa. Nên khuyến khích trẻ mạnh dạn nhận lỗi khi làm sai, nên dám nhìn thẳng vào lỗi sai của mình. Đồng thời, cha mẹ cũng nên hướng dẫn trẻ hướng khắc phục, sửa đổi những lỗi sai ấy.

9. Dám thử, dám nghi ngờ

Trên đời không có con đường chắc chắn nào dẫn đến thành công. Cuộc sống bên ngoài tiềm ẩn nhiều điều bất ngờ khó nắm bắt.

Vì vậy, muốn thành công, trẻ phải có dũng khí để cố gắng. Trong những môi trường không chắc chắn, tinh thần mạo hiểm là nguồn lực quý hiếm nhất. Khuyến khích trẻ cố gắng và khuyến khích trẻ nghi ngờ là rèn luyện tinh thần dũng cảm, tự tin, trách nhiệm và tư duy độc lập.

10. Kiểm soát tốt cảm xúc

Với trẻ không kiểm soát được cảm xúc, bố mẹ cần kiên nhẫn dạy con nhận diện được cảm xúc và hành vi phù hợp để biểu hiện tâm trạng. Bắt đầu bằng cách dạy trẻ ghi lại những cảm xúc của mình như vui buồn, giận dữ, sợ hãi. Sau đó nói về sự khác nhau giữa cảm xúc và hành vi. Khi chắc chắn rằng trẻ đã hiểu được ý nghĩa những hành động của mình, hãy động viên trẻ biết kìm chế hoặc bộ lộ tâm trạng cho phù hợp với hoàn cảnh.

Kiểm soát tốt cảm xúc là kỹ năng cần thiết đối với phương pháp dạy dỗ con cái của các bậc phụ huynh. Từ đó trẻ có thể trau dồi được những kỹ năng tốt để ứng xử và hòa nhập với thế giới rộng lớn.

Theo VNE

Lâu nay, mọi người thường chỉ biết về những thay đổi về tâm sinh lý của phụ nữ mang thai và sinh con mà ít biết, đàn ông cũng phải trải qua những thay đổi lớn.

Giảm testosterone

Nội tiết tố nam testosterone có vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển các đặc điểm thể chất và sinh lý điển hình ở nam giới, là nguyên nhân dẫn đến các hành vi cạnh tranh và thu hút người khác phái.

Nhưng khi trở thành một người cha, mức độ testosterone thường bị giảm. Mọi sự chú ý của người đàn ông bây giờ là gia đình, không phải những thú vui bên ngoài.

Trong một bài nghiên cứu đăng trên Thư viện y khoa quốc gia của Mỹ (PubMed), năm 2019, những người đàn ông đã có bạn gái và đã có con có mức testosterone thấp hơn so với người chưa con có và vẫn đang tìm người yêu.

Theo thời gian, cơ thể nam giới đã học cách giảm mức testosterone để chuyển đổi ưu tiên và học cách trở thành một người cha tận tâm.

Ảnh minh họa: Brightside.

Tăng hormone hạnh phúc

Oxytocin và dopamine là hai yếu tố làm tăng sự gắn kết giữa cha mẹ và một đứa trẻ. Khi testosterone giảm xuống, tác động tích cực của oxytocin và dopamine - hai hóc môn hạnh phúc sẽ tăng lên, khiến người lần đầu làm bố thích chơi và âu yếm con hơn.

Trầm cảm sau sinh

Chúng ta nghe nói nhiều đến trầm cảm sau sinh ở phụ nữ, nhưng ít biết nam giới cũng có thể rơi vào tình trạng này.

Ngoài các chức năng khác, testosterone cũng giúp chúng ta thoát khỏi cảm giác thấp thỏm, lo âu nên khi nó giảm xuống, các ông bố trẻ có thể bị trầm cảm.

Sự thay đổi nội tiết tố cùng với áp lực của một người cha dễ khiến đàn ông gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Điều nguy hiểm là đàn ông cảm thấy họ không thể tìm được người giúp đỡ, chia sẻ. Hơn nữa, các ông bố hay nghĩ việc mình than thở sẽ phân tán sự quan tâm dành cho người vợ mới sinh - điều họ cho là quan trọng hơn cả.

Để giảm bớt căng thẳng cho cả hai, vợ chồng nên dành thời gian cho nhau, trò chuyện về những gì họ đang trải qua khi con chào đời. Gánh nặng được chia sẻ sẽ giảm đi một nửa và có thể tạo nên điều kỳ diệu.

Não thay đổi

Trong một nghiên cứu năm 2015, đăng trên PubMed, các nhà khoa học đã nghiên cứu hoạt động của não bộ ở một nhóm các ông bố trẻ.

Kết quả cho thấy, trong bốn tháng đầu sau khi có con, chất xám của đàn ông thay đổi đáng kể. Những thay đổi này giúp người cha phát triển kỹ năng nuôi dạy con và gần gũi hơn với đứa trẻ.

Ảnh minh họa: Brightside.

Những tương tác ban đầu giữa hai cha con xây dựng nền tảng vững chắc cho mối quan hệ gia đình trong tương lai, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển nhận thức và xã hội của trẻ.

Đặc biệt, não bộ của người mới làm cha có thể thực hiện nhiều hoạt động hơn: chịu trách nhiệm lập kế hoạch, giải quyết vấn đề và phát hiện rủi ro. Nói cách khác, đây là những hoạt động bảo đảm cho người làm cha rằng con họ sẽ an toàn.

Có biểu hiện thai nghén khi vợ mang bầu

Không đợi đến khi đứa trẻ sinh ra thì cha chúng mới thay đổi về tâm sinh lý. Trong thời gian bạn đời mang thai, đàn ông có thể xuất hiện các triệu chứng như: buồn nôn, thèm ăn, đầy bụng và đau lưng.

Hiện tượng này được gọi là mang thai giao cảm. Những biểu hiện này không được công nhận là một trạng thái y tế, nhưng khá phổ biến.

Theo VNE

Con sinh vào năm Tân Sửu 2021 cầm tinh con trâu, mệnh Thổ - Bích Thượng Thổ (đất trên vách).

Con sinh năm 2021 thuộc tuổi gì, mệnh gì?

Đứa trẻ sinh ra vào năm Tân Sửu 2021 cầm tinh con Trâu, mệnh Thổ - Bích Thượng Thổ (đất trên vách).

Người cầm tinh con Trâu thường có tính cách chăm chỉ, thông minh, mộc mạc, khiêm tốn. Bên cạnh đó, người mệnh Thổ có tính cách cứng rắn, sống nguyên tắc. Họ hợp với vị trí quản lý. 

Bố mẹ tuổi nào nên sinh con năm Tân Sửu 2021?

Khi xem năm sinh con, người ta thường xem xét hai trường hợp. Một là tiểu hung nghĩa là năm sinh của con khắc với tuổi của cha hoặc mẹ. Hai là đại hung, nghĩa là tuổi của con xung khắc với tuổi của cả cha và mẹ.

Trong năm 2021, xét theo tam hợp, tuổi Sửu hợp với tuổi Tỵ và Dậu. Theo nhị hợp, tuổi Sửu hợp với Tý. Theo can chi, năm Tân Sửu 2021 có thiên can là Tân hợp với thiên can Bính.

Dựa theo bản mệnh thì cha mẹ mệnh Hỏa (Hỏa sinh Thổ) hoặc mệnh Thổ sinh con vào năm Tân Sửu 2021 (mệnh Thổ) là tốt nhất.

Như vậy, xét về tổng thể thì cha mẹ tuổi Tỵ, Dậu và Tý sinh con năm 2021 sẽ rất hợp. Trong đó, các tuổi Kỷ Tỵ, Quý Dậu, Tân Tý, Giáp Tý, Bính Tý sinh con năm 2021 là tốt nhất. Ngoài ra, tuổi Ất Hợi, Đinh Sửu, Mậu Dần, Kỷ Mão, Canh Ngọ để con năm 2021 là Bình Hòa, tức là không tốt mà cũng không xấu.

Bố mẹ tuổi nào không nên sinh con năm 2021?

Khi cân nhắc về ý định sinh con hợp tuổi hay không, cha mẹ chỉ cần chú ý đến năm Kim Lâu. Bởi người xưa quan niệm, phạm phải Kim Lâu con sinh ra sẽ khó nuôi, hay quấy khóc, ốm đau và không tốt cho việc làm ăn của cha mẹ.

Trong năm Tân Sửu 2021, những người sinh vào các năm sau đây phạm Kim Lâu: 1971, 1974, 1976, 1978, 1980, 1983, 1985, 1987, 1992, và 1994.

Ngoài ra, dựa theo ngũ hành, mệnh Thổ tương sinh với mệnh Hỏa và Kim. Trong khi đó, Thủy và Mộc là hai mệnh tương khác với Thổ. Do đó, bố mẹ thuộc mệnh Thủy và Mộc không hợp để sinh con trong năm nay. 

Người ta tin rằng, nếu mệnh của trẻ khắc với cha mẹ thì gia đình sẽ hao tài tốn của, làm ăn kém. Khi lớn lên, tài lộc và công danh của con cũng không tốt do xung khắc mệnh.

* Thông tin mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm.

Bố tốt là người biết dạy con những kỹ năng sống quan trọng và luôn tạo động lực để chúng theo đuổi ước mơ của mình.

Làm cha là một trong những khoảnh khắc đặc biệt nhất mà người đàn ông thường trân trọng nhưng họ chưa bao giờ nhận thức đầy đủ về tầm ảnh hưởng của mình tới những đứa trẻ. Với một ông bố tốt, họ cần hội đủ những đặc điểm sau đây.

Người bố tốt là người biết dạy cho con những kỹ năng sống quan trọng và luôn tạo động lực để con theo đuổi ước mơ của mình. Ảnh minh họa.

1. Là một người kỷ luật tốt

Dù yêu thương nhưng cha tốt không bao che tội lỗi cho con cái. Họ hiểu rằng dạy dỗ con không phạm sai lầm cần được thể hiện thông qua sức mạnh của lời nói mà không phải từ roi vọt. Cha tốt cũng không bao giờ thưởng cho con vì những hành động vốn dĩ phải làm như dọn nhà hay đi học đúng giờ.

2. Cho phép con phạm lỗi

Một người cha tốt hiểu rằng con mình cũng giống như nhiều đứa trẻ khác, phạm lỗi là một phần của quá trình trưởng thành: tiêu tiền thiếu thận trọng, gặp tai nạn nhỏ do lơ đãng, say xỉn, thậm chí hẹn hò với đối tượng không vừa lòng bố mẹ... là những việc hoàn toàn bình thường.

Tuy nhiên, cha tốt luôn nhắc nhở con những hành vi vô trách nhiệm nếu lặp lại sẽ không còn nhận được sự tha thứ nữa.

3. Là người quảng đại

Một người cha tốt hiểu rằng thời gian, con người và tâm lý luôn thay đổi theo năm tháng. Ông cho phép con cái mình theo thời gian mà thay đổi tốt hơn, không nhắc lại những chuyện không cần thiết trong quá khứ.

4. Dạy con biết trân trọng mọi thứ

Một người cha tốt không bao giờ để con mình coi thường những thứ mà chúng đang sở hữu, từ thức ăn trên bàn cho đến nền giáo dục mà trẻ đang được hưởng. Cha tốt luôn khiến con cái thấy được giá trị của mọi thứ chúng có. 

Ông sẽ yêu cầu con mình kiếm một công việc nhỏ để chi trả một phần món đồ chơi chúng thích và dành thời gian giải thích tại sao con cần đi học cho chính mình. Cha tốt không bao giờ để con cái coi mình như một chiếc máy rút tiền tự động.

5. Chấp nhận rằng con cái sẽ có những điểm khác mình

Mọi người đều khác nhau và một người cha tốt biết rất rõ điều này. Ông sẽ không mong đợi những đứa con của mình sẽ giống tính cách hay công việc tương tự cha. Ông tôn trọng các giá trị và ý kiến của con, miễn là chúng không gây hại cho bản thân, gia đình hoặc người khác.

6. Dành thời gian cho con cái

Một người cha tốt biết cách vui chơi với con mình như cùng chúng chơi game, xem phim, tham gia các buổi ngoại khóa ở trường... Cha tốt sẽ dành thời gian lắng nghe tâm sự của những đứa trẻ, khiến chúng trở nên vui vẻ và coi bố như bạn tốt. Ông cũng dành thời gian giúp con cái làm bài tập mỗi tối nếu việc đó thực sự cần thiết.

Một người cha tốt biết cách vui chơi với con cái mình như cùng chúng chơi game, xem phim, tham gia các buổi ngoại khóa ở trường... Ảnh minh họa.

7. Lấy sự gương mẫu của bản thân làm ví dụ, không phải câu ra lệnh

Một người cha tốt không dùng câu nói "Làm theo lời cha nói, không phải như con đang làm". Ông sẽ không hút thuốc nếu muốn con mình làm điều đó, đồng thời sẽ dạy con cách giải quyết xung đột với thành viên trong gia đình và người khác một cách kiên quyết nhưng hợp lý. 

Cha tốt cũng biết cách thể hiện tình yêu với mẹ bọn trẻ trước mặt chúng và không tranh cãi với vợ khi có mặt các con. Nói chung, ông sẽ sống theo những giá trị mà bản thân muốn con cái noi theo.

8. Luôn ủng hộ mong muốn của con

Mặc dù người cha hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt nhưng nếu con trai không có cảm tình với môn thể thao này, ông cũng chấp nhận. Cha tốt cũng có thể tự hào với trường đại học cũ và mong muốn con cái tiếp nối đường học vấn của bố nhưng nếu chúng không thích, ông cũng vẫn ủng hộ. Cha tốt luôn tạo cảm giác an toàn che chở và tin cậy, người mà con cái có thể tìm đến khi mọi thứ không ổn.

9. Thách thức những đứa con của mình

Muốn con trở thành người giỏi nhất, cha tốt có thể đưa ra những thử thách giúp chúng vượt qua chính mình. Điều này có nghĩa cho phép con tự do đối mặt với những thất bại và tự mình giải quyết vấn đề.

10. Dạy con những bài học để ra đời

Một người cha tốt luôn uốn nắn con mình trở thành những nhân tố tốt trong xã hội. Ông đặc biệt chú ý đến việc hướng dẫn con phép tắc xã giao đúng mực, trung thực, giữ lời hứa và lòng biết ơn. 

Cha tốt luôn hy sinh sự thoải mái của bản thân cho công việc làm cha. Nếu trở về nhà sau một ngày làm việc mệt mỏi, bắt gặp con cái có hành vi sai trái, ông sẽ dành thời gian giải quyết tình hình dù thể trạng đang rất mệt mỏi.

11. Bảo vệ gia đình bằng mọi giá

Là "nhà" cung cấp an ninh và nhu yếu phẩm chính nuôi sống gia đình, cha tốt có thể làm bất cứ điều gì cho gia đình mình. Ông sẽ làm thêm giờ, nhận một công việc bán thời gian hoặc việc tự do để kiếm thêm tiền cho gia đình. Đây là cách người cha dạy cho con mình hiểu tầm quan trọng của sự hy sinh bản thân.

12. Thể hiện tình yêu vô điều kiện

Đây là phẩm chất tuyệt vời nhất của một người cha tốt. Mặc dù ông vẫn bực bội vì lỗi lầm của con và có thể than thở rằng chúng không đạt được những gì ông hy vọng, nhưng không bởi vậy mà tình yêu dành cho con vơi đi, dù chỉ một phần.

Theo VnExpress

Dưới đây là 7 điều cha mẹ nên làm cho con mình để rèn luyện bé có trí nhớ siêu phàm nhất khi trưởng thành.

Gọi tên của trẻ khi trò chuyện  

Nếu cha mẹ muốn nuôi dưỡng trí nhớ của trẻ từ khi còn nhỏ, cha mẹ nên bắt đầu từ việc gọi tên của trẻ. Chỉ cần thời gian này, trẻ biết rằng bạn và trẻ đang nói chuyện với nhau, thông thường gọi tên của em bé chính là vì muốn trẻ có suy nghĩ logic cơ bản.  

Thực tế các bà mẹ khi nói chuyện với trẻ, có thể kể những cậu chuyện cổ tích, hát, hoặc chỉ cần là cười với trẻ. Sự tương tác giữa cha mẹ và con cái là cách tốt nhất để kích thích sự phát triển trí não của trẻ.  

Nắm bắt thời điểm trẻ có trí nhớ tốt  

Trong quá trình nuôi dưỡng trẻ, thời gian tốt nhất để trẻ ghi nhớ chính là trước khi đi ngủ và buổi sáng thức dậy. Cha mẹ có thể kể cho trẻ nghe một câu chuyện cổ tích, có thể hát hoặc đọc một bài thơ dành cho trẻ nhỏ.  

Đối với trẻ lớn, cha mẹ hãy giúp trẻ hình dung, ghi nhớ, sắp xếp lại những kiến thức mà trẻ đã học. Đây là cách hay để trẻ nhớ lại bài một cách khoa học và nhanh nhất.  

Giữ tinh thần thoải mái cho trẻ  

Lo lắng, căng thẳng, mệt mỏi sẽ khiến việc ghi nhớ của trẻ trở nên tồi tệ hơn. Do đó, bố mẹ nên lưu ý luôn giúp trẻ giữ tinh thần lạc quan, thoải mái dù ở bất cứ hoàn cảnh nào. Tâm trạng không tốt sẽ khiến cho mọi thứ bị đảo lộn, kết quả là những thông tin trẻ đã từng ghi nhớ sẽ dần bị mã hóa và có thể bị quên mất.  

Tạo thói quen lặp đi lặp lại 

Thông thường, một việc khi được nhắc đi nhắc lại nhiều lần và liên tục trong thời gian dài sẽ giúp não bộ của trẻ ghi nhớ nhanh và chính xác nhất. Tuy nhiên, đối với trẻ lớn cần phải hiểu vấn đề mà mình đang học là gì, chứ không phải chỉ lặp đi lặp lại như một cái máy trong khi bản thân không biết cái mình học có ý nghĩa gì.  

Đảm bảo giấc ngủ cho trẻ  

Giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng để não bộ có thời gian nghỉ ngơi và tái tạo. Nếu trẻ được ngủ sớm, ngủ đủ giấc trong một ngày sẽ giúp trí nhớ tốt hơn. Ngược lại, nếu mất ngủ, đầu óc của trẻ sẽ không hoạt động tốt, trẻ sẽ rất dễ quên. Do đó, bố mẹ nên rèn luyện cho trẻ thói quen lên giường từ lúc 9h và ngủ thẳng giấc để rèn luyện trí nhớ tốt hơn.  

Ăn uống đúng cách  

Chế độ dinh dưỡng đúng cách giúp trí nhớ của con tốt hơn đặc biệt là trẻ từ 5 đến 12 tuổi. Cha mẹ nên bổ sung các chất Vitamin B-6, niacin và thiamin đặc biệt là axit béo Omega -3. Các chất này thường có trong cá hồi hoặc quả óc chó.  

Mẹ nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày thành 6 bữa hơn là chỉ có 3 bữa chính. Như vậy sẽ cải thiện được chức năng thần kinh của bộ não và giúp trẻ cải thiện trí nhớ tốt.  

Tập thể thao thường xuyên  

Thường xuyên cùng con tập thể dục thể thao hàng ngày để con luôn tỉnh táo và tinh thần thoải mái. Khi cơ thể vận động giúp máu lên não nhanh hơn, các cơ cũng được giãn nở ra, không chỉ giúp con khỏe mạnh mà còn cải thiện được trí nhớ một cách rõ rệt. Cha mẹ có thể chơi cùng con môn thể thao như đá bóng, đá cầu, bóng rổ, chạy thể dục…

Theo PNTD

Từ khoảnh khắc lọt lòng mẹ, cơ thể chúng ta bắt đầu phát triển một lớp áo bảo vệ tinh tế có cấu tạo hoàn toàn bằng vi sinh vật.

Tìm hiểu xem vi khuẩn nào, virus nào cần giữ lại và vi khuẩn, virus nào cần loại bỏ là một quá trình phức tạp có thể tạo nên sự khác biệt giữa một hệ miễn dịch khỏe mạnh và dị ứng suốt đời kèm theo rối loạn tự miễn dịch.

Cơ thể chúng ta quản lý hệ miễn dịch như thế nào vẫn là một vấn đề chưa ai hiểu rõ. Theo các kiến thức khoa học mới nhất thì các cơ chế bảo vệ cơ thể chúng ta trước cơ thể người mẹ vẫn tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong các mối quan hệ của cơ thể với các vi sinh vật trong những tuần đầu tiên sau khi ra khỏi bụng mẹ.

Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học ở Trường đại học Birmingham, Anh, đã đi sâu tìm hiểu về quá trình này và phát hiện ra rằng, sữa mẹ giúp cho sự tăng trưởng của các tế bào miễn dịch quan trọng có chức năng xử lý viêm nhiễm.

Bác sĩ chuyên khoa sơ sinh Gergely Toldi của Trường đại học Birmingham cho biết trước đây chưa có nghiên cứu nào tìm hiểu về ảnh hưởng của loại sữa trẻ bú trong một vài tuần tuổi đầu tiên đối với sự phát triển phản ứng miễn dịch. Nghiên cứu lần này là nghiên cứu đầu tiên về tầm quan trọng vượt bậc cũng như sự tham gia của loại tế bào đặc biệt này đối với trẻ sơ sinh nuôi bằng sữa mẹ.

Nhóm nghiên cứu tập trung tìm hiểu các chức năng miễn dịch của 38 trẻ sơ sinh đủ ngày và sinh mổ. Những trẻ này được chia theo nhóm ăn sữa mẹ, ăn sữa công thức hoặc ăn cả hai loại sữa, và có mẫu máu và mẫu phân lấy ngay khi chào đời và 3 tuần sau khi sinh.

Sự khác biệt của tế bào T điều hòa ở hai nhóm trẻ khác nhau rõ rệt. Những trẻ chỉ bú sữa mẹ có số tế bào T tăng gấp đôi so với những trẻ chỉ bú sữa công thức. Bản thân các tế bào T cũng có biểu hiện tăng cường hoạt động ức chế. 

Sữa mẹ cung cấp cho trẻ sơ sinh rất nhiều các loại kháng khuẩn và dưỡng chất vào đúng thời điểm giúp cho hệ miễn dịch phát triển phù hợp với tất cả những gì cơ thể cần để chống lại sự nhiễm khuẩn.

Nhưng bản thân quá trình cho con bú không hề kháng khuẩn mà truyền qua đó không chỉ hệ vi sinh trên da của người mẹ mà còn cả rất nhiều tế bào của cơ thể mẹ. Trong những tuần đầu non nớt, rất nhiều vật chất bên ngoài có thể dễ dàng lấn át hệ miễn dịch của trẻ. Kích thích các tế bào T điều hòa bảo vệ cơ thể đứa trẻ khỏi các tế bào lạc từ cơ thể mẹ sang rất có thể chính là mục đích để giữ cho bé được mạnh khỏe.

Vì sao sữa mẹ lại có tác dụng này thì đến nay khoa học vẫn chưa thể giải thích được chính xác hoàn toàn. Một nghiên cứu mới đây trên chuột cho thấy một vòng lặp phản xạ diễn ra, trong đó có sự kết hợp hóa sinh giữa mẹ và con để điều chỉnh quá trình này cho phù hợp. 

Tuy nhiên, nghiên cứu của các nhà khoa học ở Trường đại học Birmingham đã đưa ra một manh mối. Ở những trẻ sơ sinh bú sữa mẹ, các vi khuẩn đường ruột hỗ trợ chức năng của tế bào T có nhiều hơn. Điều này có thể giải thích vì sao trẻ sơ sinh bú sữa mẹ lại có nhiều tế bào T hơn.

Các nhà nghiên cứu cũng cho biết họ chỉ theo dõi trẻ sơ sinh đẻ mổ để giảm biến chứng miễn dịch. Tuy vậy, theo dõi trẻ sơ sinh đẻ thường cũng là một đề tài cần nghiên cứu, đặc biệt là vì lý do có sự khác biệt trong hấp thụ hệ vi sinh ở những trẻ sinh bằng hai phương pháp khác nhau.

Điều quan trọng cần lưu ý là trong thế giới ngày nay, "nuôi con bằng sữa mẹ" là thêm một áp lực mà nhiều bà mẹ thấy khó gánh vác. Cho con ăn sữa công thức thường là cách không ai muốn nhưng dễ quyết định lựa chọn, vì lý do giảm áp lực hoặc với nhiều người thì đơn giản là họ chẳng có nhiều lựa chọn nào khác.

Ngoài những lợi ích được khoa học chứng minh, nuôi con bằng sữa mẹ còn mang lại cho đứa trẻ và bà mẹ nhiều lợi ích khác như sự thuận tiện, tiết kiệm, và xa hơn là tiết kiệm tài nguyên cho xã hội.

Bác sĩ chuyên khoa sơ sinh Toldi của Trường đại học Birmingham nói rằng nhóm nghiên cứu hi vọng những kiến thức giá trị mà họ tìm thấy sẽ giúp tăng nhận thức và tăng hành động nuôi con bằng sữa mẹ, để ngày càng có nhiều em bé được lớn lên khỏe mạnh hơn.

Theo Dân Trí

Có nhiều nguyên nhân giúp trẻ trở nên xuất sắc nhưng những học sinh kém lại có chung đặc điểm: 'Không tập trung'.

Bệnh mất tập trung ở trẻ em khá phổ biến và ảnh hưởng lớn đến học tập và phát triển não bộ của trẻ. Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao trẻ lại dễ mất tập trung như vậy mà không nhận ra đôi khi nguyên nhân lại đến từ người lớn.

Làm xao nhãng sự tập trung của trẻ

Khi con đang làm bài tập về nhà, có phụ huynh phá vỡ không khí tập trung cao độ của con bằng cách mang nước uống hoặc hoa quả đến bàn học. Một số người lại trách mắng hoặc đánh trẻ chỉ vì một lỗi sai trong vở bài tập trước đó.

Dù xuất hai hành vi này thể hiện sự quan tâm, nhưng chúng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tập trung của trẻ. Ví dụ sau khi uống nước và ăn trái cây, trẻ rất lâu mới có thể quay lại làm bài tập.

Giúp đỡ quá mức

Có phụ huynh mua bộ logo cho con trai. Sợ con không thể hoàn thành nên đã giúp cậu bé lắp ghép cho đến khi thành công. Tưởng khi làm xong, con trai sẽ cảm kích nhưng cậu đã phá tung thành quả của hai bố con. Ông bố tức giận hỏi nguyên nhân, cậu bé nói: "Không cần những thứ không phải do con tự tay làm".

Sự tập trung của trẻ cần được cải thiện dần trong quá trình "khám phá cá nhân". Giúp đỡ quá mức từ cha mẹ đôi khi chỉ làm gián đoạn sự tập trung và làm suy giảm sự quan tâm của trẻ. Người lớn vì quan tâm quá mức mà đôi khi thay trẻ lựa chọn đồ chơi, cách chơi thậm chí là bạn cùng chơi. Hành vi này làm trẻ bị áp lực và mất hứng thú thì không thể chuyên tâm được.

Bố mẹ dành thời gian quá nhiều cho thiết bị điện tử

Với nhiều phụ huynh, một phút không kiểm tra điện thoại chính là tra tấn. Thậm chí có những người còn sử dụng điện thoại ngay cả khi ngồi vào bàn ăn. Với trẻ, chúng thường học hỏi và lặp lại hành vi từ cha mẹ mình. Người lớn xem điện thoại nhiều sẽ khiến con học theo.

Hành vi này có hại cho sự phát triển thể chất lẫn trí não của trẻ. Chúng sẽ không có sự chủ động vận dụng và kiểm soát sự tập trung bằng toàn thân mà chỉ đơn giản là ánh mắt "treo" ở màn hình và não thì trống rỗng.

Vì vậy, khi ở bên con, bố mẹ hãy bắt đầu thay đổi từ chính mình, bỏ điện thoại xuống.

Có một thực tế, khi cảm thấy không được tôn trọng sở thích hay hành động, trẻ không những bị tổn thương trong tâm lý mà còn gây trở ngại cho khả năng tập trung. Ảnh minh họa.

Ngoài 3 điều không nên làm trên, muốn trẻ trau dồi khả năng tập trung, cha mẹ cần chú ý những điều sau:

Sự tập trung phải được trau dồi theo từng giai đoạn

1-2 tuổi: Khi bé chơi, bố mẹ quan sát bé thích loại đồ chơi nào để khuyến khích chơi loại đó nhiều hơn, có thể tạm cất những đồ chơi khác nhằm giúp bé rèn luyện khả năng tập trung vào một việc.

Nếu bé rất thích tham gia một trò chơi nào đó, bố mẹ cũng thường xuyên chơi với bé để tăng sự hứng thú, chia sẻ, giúp bé không bị xao nhãng bởi những việc khác.

2-3 tuổi: Nên rèn luyện khả năng tập trung vào một việc của trẻ.

Ví dụ nếu bố mẹ muốn trẻ mang giẻ lau và khăn giấy đến cho mình thì có thể yêu cầu hai lần, thay vì để trẻ lấy hai thứ cùng một lúc. Đây là những gì nhà giáo dục nổi tiếng người Italia Maria Montessori từng nói: "Sau khi hoàn thành một việc thì mới nên làm một việc khác" (mỗi lần một việc).

4-6 tuổi: Dạy trẻ làm việc có thời gian và kế hoạch.

Ở lứa tuổi này, khả năng tập trung của trẻ khoảng 13-20 phút. Vì vậy cha mẹ có thể yêu cầu con chỉ làm một số việc nhất định trong khoảng thời gian này, chẳng hạn như đọc sách tranh. Sau khi đọc, hãy yêu cầu trẻ kể cho cha mẹ nghe nội dung cuốn sách viết những gì.

Sử dụng tốt bộ hẹn giờ

Để trẻ có thể tập trung cao độ, có thể sử dụng bộ đếm thời gian như đồng hồ bấm giờ.

Trước khi đi chơi hoặc đi ăn mà trẻ có bài tập cần hoàn thành, bố mẹ chỉ cần thông báo với trẻ bằng lời nói, sau đó bắt đầu đếm ngược bằng đồng hồ hẹn giờ. Ví dụ "Con có 30 phút hoặc 60 phút để hoàn thành bài tập trước khi được đi chơi". Ưu điểm của việc làm này là từ khi đồng hồ bắt đầu chạy, trẻ sẽ tập trung cao độ để hoàn thành mục tiêu và không có thời gian thư giãn. Một khi tần suất tập trung tăng lên, trẻ sẽ xuất hiện phản xạ có điều kiện với nhạc báo của đồng hồ hẹn giờ. Điều này hữu ích hơn rất nhiều so với việc bị bố mẹ la hét thúc giục.

Tạo không gian yên tĩnh cho trẻ

Không gian ở đây không chỉ đơn thuần là một căn phòng mà còn là bàn học, chiếu chơi. Tại đây trẻ có thể yên tĩnh làm những điều mình muốn trong không gian này.

Cần lưu ý không gian này không nên là nơi có người thường xuyên ra vào như phòng khách, phòng bếp nơi thường xuyên có mùi thơm của thức ăn vì có thể gây nhiễu cho trẻ. Ngoài ra, nếu là bàn học, tốt nhất nên dọn dẹp sạch sẽ mọi thứ trên bàn trừ giấy bút và các vật dụng cần thiết khác.

Có rất nhiều thứ để dạy dỗ một đứa trẻ nhưng những nguyên tắc dưới đây nhất định không thể thiếu.

Bất kỳ cha mẹ nào cũng sẽ gặp phải nhiều vấn đề khác nhau trong quá trình phát triển của trẻ. Khi con cái không nghe lời, cha mẹ thường được khuyên rằng, nên đặt ra một số quy tắc ngay từ khi trẻ còn nhỏ, như thế việc dạy dỗ sẽ phần nào dễ dàng hơn.

Quy tắc 1: Chào hỏi mọi người

Đây là phép lịch sự cơ bản nhất. Bố mẹ nên dạy trẻ kỹ năng chào hỏi đúng cách ngay từ nhỏ. Dạy chào hỏi, trẻ sẽ nhận thức được đó là hành động bình thường cần có khi gặp người khác và sẽ thực hiện một cách thoải mái, tự nhiên. Một đứa trẻ lễ phép luôn nhận được sự quý mến.

Quy tắc 2: Không gây ảnh hưởng đến người khác nơi công cộng

Ở nơi công cộng, bản thân bố mẹ cũng rất khó chịu khi nghe thấy những đứa trẻ hò hét ầm ĩ hoặc quậy phá "không phép tắc". Phải dạy cho trẻ chính xác điều nên và không nên làm ở nơi công cộng. Một đứa trẻ có khuôn phép, biết quy tắc được đánh giá là nhận được sự giáo dục tốt từ gia đình.

Quy tắc 3: Khi có bí mật, nếu không thể nói với cha, hãy nói với mẹ

Trẻ em có rất nhiều bí mật riêng mà bố mẹ không biết, trong đó có nhiều thứ ngoài sức tưởng tượng của người lớn. Bởi vậy, đòi hỏi cha mẹ phải biết cách giao tiếp và đồng hành cùng con, để chúng nói ra. Làm được như vậy mới có thể giúp con khi cần thiết, tránh việc đáng tiếc xảy ra.

Quy tắc 4: Không nói dối

Luôn nói cho trẻ biết sự trung thực là một đức tính quý, vì vậy không được đánh mất đức tính này. Trẻ nói dối là khởi đầu cho việc đánh mất lòng tin vào người lớn. Khi nói dối trở thành một thói quen, nó sẽ gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng về sau.

Quy tắc thứ 5: Đúng giờ

Tính đúng giờ nên được rèn từ khi còn nhỏ, thà đợi người khác một lúc còn hơn để người khác đợi mình. Đúng giờ thường là một thước đo thành công rất quan trọng. Hãy cho trẻ hiểu, đừng coi người khác chờ đợi là điều hiển nhiên. Không có nhiều thứ được coi là đương nhiên trên thế giới này.

Quy tắc thứ 6: Chủ động, dũng cảm thừa nhận sai lầm

Dạy con nếu làm sai điều gì đó nên coi là bình thường bởi ai cũng mắc sai lầm trong cuộc đời. Việc dũng cảm thừa nhận sai lầm mới là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề. Nếu trẻ mắc lỗi, hãy giải thích con sai ở đâu, sai như thế nào và nhắc con nói lời xin lỗi. Lời xin lỗi thực sự chân thành khi trẻ nhận ra lỗi lầm của mình và mong muốn được sửa đổi.

Quy tắc 7: Không lãng phí thức ăn

Thức ăn không chỉ đơn thuần là đồ ăn để sinh tồn, mà nó còn là sự lao động vất vả của con người. Biết quý trọng thức ăn là một đức tính rất cần thiết để rèn luyện cho trẻ nhỏ. Phải dạy trẻ biết trân trọng công sức của người lao động, như vậy mới hình thành thói quen tốt. 

Thậm chí nếu không ăn hết, bữa sau trẻ phải nhịn đói vì đã hết tiêu chuẩn trong một ngày. Muốn vậy, người nấu ăn cũng nên cân nhắc về số lượng thực phẩm trong gia đình, tránh nấu quá nhiều trong khi các thành viên chỉ ăn được lượng nhỏ.

Quy tắc 8: Dốc hết sức cho những gì bản thân muốn làm

Đừng trông mong người khác giúp đỡ mình, nếu muốn gì đó, tốt nhất là bản thân tự cố gắng có được. Alber Eistein từng nói "Đừng phấn đấu để mình thành công mà hãy phấn đấu để mình có giá trị". Hãy dạy con là một con người có giá trị, bằng cách nỗ lực hết mình, khẳng định năng lực bản thân trong học tập và công việc khác.

Quy tắc 9: Học cách bao dung

Khoan dung là đức tính cao quý tốt đẹp của con người. Sự khoan dung không chỉ dạy trẻ vấn đề ngọn là quên đi nỗi bực dọc đang gánh chịu, mà phải hiểu cái gốc của tha thứ để nhận được sự dễ chịu trong tâm hồn. Lòng bao dung chỉ thực sự có được khi trẻ biết cách tha thứ cho người khác và bản thân mình.

Quy tắc 10: Khi gặp nguy hiểm có thể bỏ mọi nguyên tắc, không có nguyên tắc nào quan trọng hơn tính mạng.

Có người thấy những điều này nói thì dễ nhưng trẻ làm mới khó. Điều quan trọng là những quy tắc này không chỉ dành cho trẻ em, mà cả người lớn chúng ta cũng cần làm gương, trẻ sẽ dần ý thức được.

Âm nhạc được cho là có lợi cho sự phát triển não bộ của em bé, vì vậy, nhiều mẹ bầu bắt đầu cho con nghe nhạc ngay từ khi còn trong bụng. 

Nhưng việc áp tai nghe lên bụng bầu như cách mà nhiều người thường làm có hiệu quả hay ảnh hưởng gì đến em bé hay không? 

Các chuyên gia giải thích và đưa ra những khuyến cáo cần thiết như sau:

Thai nhi hình thành cơ quan thính giác từ rất sớm

Mặc dù có kích thước chỉ bằng hạt đậu vào tháng thứ 2 của thai kỳ, nhưng phôi thai đã bắt đầu phát triển lỗ tai. Ðến tuần thứ 18, vành tai bắt đầu nhú ra và thai nhi có thể nghe được âm thanh. Và từ tuần thứ 22 đến 24, thai nhi sẽ nghe thấy những tiếng động tần số thấp từ bên ngoài bụng mẹ. 

Nghiên cứu cho thấy, giai đoạn quan trọng nhất để thai nhi phát triển thính giác là từ tuần thứ 25 của thai kỳ và tiếp tục cho đến khoảng 5-6 tháng. Giọng nói của mẹ có thể là tất cả những thứ mà thai nhi cần nghe trong suốt quá trình hoàn thiện hình hài. 

Cách cho thai nhi nghe nhạc thực sự ảnh hưởng đến sự phát triển về sau của trẻ.

Theo nghiên cứu thực hiện hồi năm 2013, em bé học hỏi ngay từ trong bụng mẹ do dễ phát triển cảm giác thân quen với một thứ gì đó, ví dụ như một bài hát lặp đi lặp lại. Những tiếng ồn mà thai nhi nghe được từ tuần thứ 23 của thai kỳ rất quan trọng đối với năng lực thính giác về sau của trẻ. 

Các bộ phận của hệ thính giác cần những tiếng ồn này để phát triển đúng cách. Do đó, các nhà khoa học khuyên nên cho thai nhi tiếp xúc với cả giọng nói và âm nhạc ngay từ khi chưa chào đời. Tuy nhiên, họ cho biết không cần thiết phải dùng tai nghe áp lên bụng bầu để phát nhạc.

Loại nhạc nào phù hợp cho thai nhi?

Trong bài viết đăng trên trang tin sức khỏe sinh sản Babymed.com, một số chuyên gia cho biết nước ối sẽ khuếch đại âm nhạc trong khi một số chuyên gia khác cho rằng nước ối chỉ khuếch đại những âm trầm như đoạn bass của bài hát.

Các mẹ bầu cần chú ý đến việc lựa chọn thể loại nhạc phù hợp cho sức khỏe đôi tai của thai nhi. Theo Tiến sĩ chuyên khoa sản Amos Grunebaum, thể loại nhạc tốt nhất cho thai nhi là nhạc cổ điển vì giai điệu thường lặp đi lặp lại giống như bài hát ru. Song, các mẹ cũng có thể cho thai nhi nghe bất kỳ dòng nhạc nào miễn là nó được hòa âm nhẹ nhàng và không có giai điệu quá chói tai hoặc nhịp điệu dồn dập như nhạc rap và nhạc rock. 

Một số nghiên cứu trên động vật cho thấy, sự phát triển của não bộ bị ảnh hưởng bất lợi khi thai nhi được cho nghe những thể loại nhạc ồn ào có thể khiến trẻ bị giật mình.

Cường độ âm thanh phù hợp với thai nhi

Theo Healthline, tử cung vốn là một nơi ồn ào với vô số âm thanh như tiếng co bóp của dạ dày, tiếng tim đập, tiếng phổi bơm xả không khí và giọng nói của mẹ được khuếch đại bởi sự rung động của xương khi âm thanh truyền đi trong cơ thể. 

Ðiều đó có nghĩa là việc giữ cho âm lượng ở môi trường bên ngoài thấp là điều quan trọng đối với thai nhi.

Các chuyên gia khuyến nghị nên giữ tiếng ồn bên ngoài ở mức khoảng 50-60dB, tức chỉ bằng âm lượng khi nói chuyện. Vì vậy, việc đặt tai nghe phát nhạc lên bụng bầu là điều không cần thiết. Các sản phẩm tai nghe mẹ bầu còn có xu hướng phát nhạc quá lớn - điều được cảnh báo là không tốt cho sự phát triển của thính giác lẫn não bộ của thai nhi trong bụng mẹ.

Mặc dù việc thỉnh thoảng nghe âm thanh lớn không có hại, nhưng bằng chứng khoa học chỉ ra rằng việc tiếp xúc lâu và thường xuyên với các âm thanh lớn (như tiếng nhạc lớn, còi xe, xe tải, máy móc, máy bay…) có thể góp phần làm mất thính giác ở thai nhi, đặc biệt là sau 18 tuần. 

Do đó, ngoài tránh xa những nơi phát ra âm thanh lớn (như các buổi hòa nhạc, tiệc tùng với  tiếng nhạc ồn ào), các mẹ bầu nên thưởng thức âm nhạc có giai điệu êm dịu tại nhà hoặc kết hợp khiêu vũ nhẹ nhàng, vừa thư giãn vừa xem như một bài tập vận động giúp thai phụ dễ sinh hơn khi chuyển dạ.

Sức Khỏe

[Suc-khoe][fbig1]

Làm Đẹp

[Lam-dep][fbig2]

Làm Mẹ

[Lam-me][column1]

Ẩm Thực

[Am-thuc][column2]

Khám Phá

[Kham-pha][hot]

Thời Trang

[Thoi-trang][gallery1]

Author Name

{picture#YOUR_PROFILE_PICTURE_URL} YOUR_PROFILE_DESCRIPTION {facebook#YOUR_SOCIAL_PROFILE_URL} {twitter#YOUR_SOCIAL_PROFILE_URL} {google#YOUR_SOCIAL_PROFILE_URL} {pinterest#YOUR_SOCIAL_PROFILE_URL} {youtube#YOUR_SOCIAL_PROFILE_URL} {instagram#YOUR_SOCIAL_PROFILE_URL}

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.